Đồng Nai chủ động phối hợp xây dựng đường vành đai 4

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với hệ thống các tuyến đường tỉnh đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, hiện nay Đồng Nai cũng đã tính toán nguồn lực để thực hiện. Tương tự, với các dự án giao thông quốc gia đóng vai trò kết nối cho sân bay, Đồng Nai sẽ tính toán để chủ động phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ.

Trong các tuyến đường cao tốc có vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, hiện đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. 2 tuyến đường cao tốc khác gồm: Phan Thiết – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành đã được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành vào các năm 2022 và 2023.

Riêng đối với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, trong tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Như vậy, đối với hệ thống hạ tầng kết nối cho sân bay Long Thành, hiện nay chỉ có tuyến đường vành đai 4 và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành chưa được “khởi động”.

Đối với 2 dự án này, Đồng Nai hiện đang tính toán phương án để phối hợp thực hiện sớm nhằm đồng bộ khai thác khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng.

Sơ đồ quy hoạch đường vành đai 4

Xem thêm: Đường vành đai 3 trên cao

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành khi hoàn thành xây dựng sẽ giải quyết rất tốt việc đi lại giữa sân bay với TP.HCM. Do đó, dự án này cần được khởi động sớm. “Hiện nay, tuyến đường sắt này đã có trong quy hoạch, nhiều nhà đầu tư cũng đã tìm hiểu và bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Tương tự, tuyến đường vành đai 4 đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu và bày tỏ mong muốn đầu tư. Xét về mặt kết nối giao thông, đường vành đai 4 đóng vai trò rất quan trọng khi có thể kết nối trực tiếp từ sân bay Long Thành đến các tỉnh, thành Đông Nam bộ như: Bình Dương, Bình Phước, TP.HCM cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ…

Với tầm quan trọng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, UBND tỉnh đang xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy để thống nhất việc Đồng Nai sẽ đứng ra nhận làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chủ động thực hiện 2 dự án nói trên theo hình thức đầu tư PPP.

Xem thêm: Cuối năm 2022 dự kiến xây cầu Phước An nối Nhơn Trạch với Bà Rịa – Vũng Tàu 

Khánh Nhi


Bài viết liên quan