Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ có 13 km đi trên cao

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Chính phủ xem xét trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, đường vành đai 3 trên cao giai đoạn 1 dài hơn 76 km sẽ có gần 13 km (đoạn từ cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn thuộc TP Thủ Đức sẽ đi trên cao. Các đoạn đi dưới thấp gồm đoạn đầu tuyến giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành đến đường tỉnh 25B, đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22 – Bến Lức.

Theo UBND TP.HCM tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.377 tỉ đồng. Trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 41.589 tỉ đồng.

Đường vành đai 3 được xác định là tuyến vành đai đô thị liên vùng, theo quy hoạch và định hướng phát triển thì hai bên dự án kết hợp với phát triển đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, dân cư.

Trong quá trình nghiên cứu Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã xem xét, đánh giá các phương án trắc dọc đi thấp toàn bộ, trắc dọc phối hợp đi cao và đi thấp, trắc dọc đi cao toàn bộ.

Sau khi so sánh ưu điểm, nhược điểm các phương án cùng với thực trạng và quy hoạch phát triển đô thị dọc hai bên tuyến, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất lựa chọn phương án cơ bản đi thấp đối với các đoạn tuyến qua khu đô thị hiện hữu trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM tuyến đi cao.

Việc lựa chọn phương án trắc dọc tuyến nêu trên phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị các địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5-2022, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Do thời gian cấp bách, UBND TP.HCM cũng kiến nghị được áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.

Cụ thể như thống nhất tỉ lệ vốn trung ương và ngân sách địa phương, tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Bên cạnh đó, dự án sau khi hoàn thành sẽ được tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn cho ngân sách; Kiến nghị cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án.

Theo UBND TP.HCM hệ thống tuyến đường vành đai 2,3, 4 (với tổng chiều dài khoảng 356 km. Đến nay, chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71 km (trong đó vành đai 2 khoảng 55 km và vành đai 3 khoảng 16 km), riêng vành đai 4 còn đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng.

Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai TP.HCM như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM cũng như khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hệ thống đường vành đai TP.HCM sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của thành phố, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận (Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh). Từ đó, rút thời gian lưu thông từ đó thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương mua bán trong khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, việc chậm đầu tư dự án dẫn đến các tuyến cao tốc đưa vào khai thác không phát huy hiệu quả, riêng đối với các tuyến cao tốc chưa đầu tư không đảm bảo tính khả thi do phụ thuộc vào đường vành đai 3 (là điểm đầu cao tốc).

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM dự kiến sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn đem lại lợi ích cho hàng loạt các hoạt động kinh tế – xã hội ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của dự án.

Theo VnExpress


Bài viết liên quan