Gỡ nút thắt về vốn cho nhà thầu của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý để VEC tạm sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền chưa đến hạn để trả cho nhà thầu của Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Cụ thể, tại công văn số 1990/UBQLV – CNHT, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi VEC, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, việc VEC đề xuất tạm sử dụng khoản tiền từ nguồn thu phí 4 tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư gồm: Cầu Giẽ – Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi và  TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây) chưa đến hạn trả nợ để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản đối với khối lượng đã nghiệm thu hoàn thành tại Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là cần thiết và phù hợp với thực trạng triển khai Dự án.

Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu, Hội đồng thành viên VEC tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, ý kiến của Kiểm soát viên VEC, nghiên cứu thực hiện Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – VEC, tự cân đối khả năng tài chính, trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định việc tạm sử dụng khoản tiền nhàn rỗi của VEC để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản tại Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.

cầu Bình Khánh

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Trong số 2 gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), vướng mắc lớn nhất tập trung vào gói J3. Đây là gói thầu xây lắp có giá trị rất lớn lên 3.558 tỷ đồng, do Liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) – Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 (Việt Nam) thi công với hạng mục chính là cầu dây văng Phước Khánh. Tuy nhiên, gói thầu J3 dừng thi công trên công trường từ tháng 9/2019 khi khối lượng hoàn thành đạt khoảng 80,70%; giải ngân đạt khoảng 85,80% giá trị hợp đồng; chưa thanh toán cho nhà thầu khoảng 48 tỷ đồng cho các khối lượng đã hoàn thành.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối tháng 9/2021, VEC đề nghị một giải pháp xử lý tạm trong thời gian chờ Bộ Chính trị thông qua chủ trương chuyển đổi vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước đối với các dự án đang vướng mắc của VEC.

Cụ thể, VEC muốn được quyền tạm sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến thời hạn trả nợ với số tiền khoảng 429 tỷ đồng để thanh toán ngay cho các nhà thầu Nhật Bản nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo phương án tài chính VEC đang trình cấp có thẩm quyền, lũy kế dòng tiền thu phí tại năm 2021 của VEC đang có khoảng 7.504 tỷ đồng sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ vay đến hạn và lũy kế dòng tiền của VEC tại năm 2022 là 6.546 tỷ đồng. Trường hợp VEC tạm sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi chưa đến thời hạn trả nợ với số tiền khoảng 429 tỷ đồng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn của VEC.

Xem thêm: Đồng Nai chủ động phối hợp xây dựng đường vành đai 4

An Nhiên


Bài viết liên quan