Một đoạn Vành đai 3 TPHCM chưa triển khai đã tăng chi phí 1.625 tỉ đồng

TPHCM –  Dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch của Vành đai 3 TPHCM sau 6 năm chưa triển khai đã tăng chi phí giải phóng mặt bằng từ hơn 624 tỉ đồng lên 2.251 tỉ đồng (tăng 1.625 tỉ đồng).

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn (Bình Dương), một trong những đoạn thuộc Vành đai 3 TPHCM đã đầu tư hoàn thành.

 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn gửi Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch – Đầu tư về dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TPHCM.

Dự án 1A của đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch dài 8,75 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (TP Thủ Đức). Phần lớn tuyến đường này đi qua Đồng Nai, với chiều dài 6,3 km, còn lại 2,45 km thuộc địa phận TPHCM.

Năm 2016, dự án được Bộ GTVT phê duyệt với tổng đầu tư gần 5.330 tỉ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do hai địa phương thực hiện.

Khi đó, đoạn qua TPHCM chi phí giải phóng mặt bằng chỉ gần 149 tỉ đồng và Đồng Nai gần 476 tỉ. Đến nay, sau khi cập nhật, chi phí giải phóng mặt bằng phía TPHCM là gần 1.600 tỉ đồng (tăng hơn 1.450 tỉ đồng) và Đồng Nai khoảng 651 tỉ (tăng 175 tỉ đồng). Như vậy, sau 6 năm chưa triển khai, chi phí giải phóng mặt bằng qua 2 địa phương tăng khoảng 1.625 tỉ đồng.

UBND TPHCM cho biết nguyên nhân chính khiến chi phí giải phóng mặt bằng dự án qua Thành phố tăng do tăng giá đất nông nghiệp từ 342.000 đồng/m2 (đơn giá của năm 2014) lên hơn 5,7 triệu đồng/m2 (đơn giá năm 2020), tức tăng hơn 5,4 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, việc tăng diện tích thu hồi thực hiện dự án từ 32,48 ha lên 35,52 ha (tăng 3,04 ha) cũng khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng thêm.

UBND TPHCM cho biết, gần 1.600 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho dự án đi qua địa bàn sẽ được Thành phố cân đối và bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách địa phương.

Do kinh phí đền bù giải toả cho dự án 1A tăng thêm nên Bộ GTVT đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, từ 5.330 tỉ đồng lên 6.955 tỉ đồng.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay GTVT quản lý dự án) cho biết hồ sơ thiết kế dự 1A của đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đã được phê duyệt và đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công vào quý 1/2022.

 

Vành đai 3 được quy hoạch 11 năm trước, đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tổng chiều dài gần 92 km. Hiện, toàn tuyến chỉ đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn, dài hơn 15 km, đi qua Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe.

Ngoài dự án 1A chuẩn bị khởi công và đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đã đầu tư, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 dài hơn 76 km sắp được đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí 75.377 tỉ đồng bằng ngân sách Trung ương và địa phương.

Hiện báo cáo tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, chờ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp dự kiến tháng 5.2022.

Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội thông qua, Vành đai 3 sẽ được khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ tuyến đường năm 2026.


Bài viết liên quan