TPHCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương tập trung cao độ cho dự án đường vành đai 3 – TPHCM

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng tuyến đường vành đai 3 – TPHCM, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các địa phương phấn đấu đến tháng 02.2022 trình Chính phủ dự án tổng thể.

Tuyến đường vành đai 3 - TPHCM

Trình dự án đường vành đai 3, 4 – TPHCM vào tháng 02.2022

Dự án đường vành đai 3 – TPHCM đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành: Long An, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương với tổng chiều dài 89,3 km được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 1697/QĐ-Ttg ngày 28.09.2011.

Sau hơn 10 năm, toàn dự án chỉ có đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (đoạn 2) dài 16,3 km qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng.

Để hoàn thành mục tiêu “khép kín” đường vành đai 3 – TPHCM trong năm 2025, từ đầu năm 2021, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GT-VT nghiên cứu phương thức thực hiện dự án. Cuối tháng 07.2021, Bộ GT-VT đã có văn bản bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu liên quan cho các địa phương.

Theo đó, dự án sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư phần đường cao tốc với quy mô 4 làn xe. Trong giai đoạn 1, dự án được tiếp tục chia thành 2 dự án thành phần gồm: dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành hai bên và dự án xây dựng đường cao tốc 4 làn xe. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường vành đai 3 – TPHCM vẫn chưa được hoàn thiện.

Theo dự kiến, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc dự án Đường vành đai 3 – TPHCM sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 03.2022. Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch (giai đoạn 1) có chiều dài 8,75 km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc TP. Thủ Đức (TPHCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 6,3 km. Tổng mức đầu tư của dự án thành phần này hơn 5.300 tỷ đồng gồm nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Ngày 29.12.2021, tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị của các địa phương cho dự án đường vành đai 3, 4 – TPHCM, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, dự án Đường vành đai 3, 4 – TPHCM sẽ mở ra không gian phát triển cho TPHCM và kết nối với các địa phương. Thời gian qua, Trung ương, các bộ, ngành rất quan tâm, TPHCM và các địa phương có nhiều cố gắng chuẩn bị dự án nhưng tiến độ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao UBND TPHCM là cơ quan chủ trì làm việc với đơn vị tư vấn để rà soát kỹ về chi phí đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng, phương thức đầu tư để xây dựng dự án có hiệu quả nhất.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đề nghị các địa phương cùng thống nhất, phấn đấu đến tháng 02.2022 phải trình Chính phủ dự án này. Khi dự án tổng thể được phê duyệt thì đoạn tuyến trên địa phương nào thì địa phương đó triển khai.

Kiến nghị đầu tư bằng ngân sách nhà nước

Lý do lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại làm cho dự án đường vành đai 3 – TPHCM bị chậm tiến độ là khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trước đó, theo phương án của Bộ GT-VT, trong giai đoạn 1, dự án giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành hai bên sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong khi đó, dự án xây dựng đường cao tốc 4 làn xe theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao).

Về giải phóng mặt bằng, sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 8 làn xe.

Về phương án đầu tư, Bộ GT-VT đã nghiên cứu 4 phương án. Tuy nhiên, có đến 3 phương án không thể hoàn vốn mặc dù đã có sự hỗ trợ của Nhà nước tối đa là 50% tổng mức đầu tư. Riêng đối với phương án kiến nghị đầu tư theo hình thức PPP phần đường cao tốc có sử dụng phần vốn nhà nước hỗ trợ được đánh giá là khả thi nhất. Mặc dù vậy, đại diện Bộ GT-VT cũng thừa nhận rằng, với thời gian thu phí hoàn vốn lên đến 29 năm thì phương án này cũng rất khó thu hút nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói trên, TPHCM đã đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư toàn bộ dự án. Trường hợp khó khăn về ngân sách trung ương, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47 ngàn tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Bộ KH-ĐT về phương thức đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 – TPHCM vào tháng 10.2021, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Long An về việc nên thực hiện triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai 3 – TPHCM theo hình thức đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách. Sau khi hoàn thành xây dựng, Nhà nước sẽ thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, thời gian qua, Đồng Nai chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch rất lớn, nên rất khó để bố trí nguồn vốn thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Trước những kiến nghị này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương rà soát, tính toán kỹ kinh phí đền bù, chi phí xây dựng dự án thật chính xác. Từ đó, xem xét đoạn nào thì sử dụng hình thức đầu tư PPP, đoạn nào phải dùng 100% vốn ngân sách.

Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin về dự án đường vành đai 3 – TPHCM.


Bài viết liên quan