Vay tiền mua đất bằng miệng, không trả nợ có khởi kiện được không?

Vào tháng 8 năm ngoái, tôi cho bạn thân vay 400 triệu đồng để mua đất, thời hạn vay là một năm, lãi suất 8%/năm; vì tin tưởng nhau nên việc cho vay không được lập thành văn bản (chỉ thông qua lời nói).

Hết hạn vay, tôi đòi nợ thì bạn ấy xin vay thêm một năm nữa vì hiện tại không có tiền trả (bởi bạn ấy mua phải lô đất của kẻ lừa đảo) nhưng tôi đang gặp khó khăn về tài chính nên không đồng ý. Hôm qua, tôi tiếp tục gọi điện đòi nợ thì bạn ấy “trở mặt” bảo mượn hồi nào mà mượn. Vậy có cách nào để tôi đòi lại khoản tiền đã cho bạn ấy vay hay không?

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh tư vấn như sau:

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.”

Căn cứ các quy định nêu trên và pháp luật hiện hành, đối với giao dịch vay tiền không bắt buộc phải lập thành văn bản. Do đó, việc cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này nếu người vay không trả tiền, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay (bao gồm tiền gốc và tiền lãi).

Lưu ý, vì bên vay “trở mặt” và cho rằng mình không có vay tiền nên bạn phải chứng minh với tòa án là có việc cho vay xảy ra. Trường hợp này bạn có thể ghi âm lại lời nói mà bên vay đã xác nhận mình đã vay, tin nhắn lúc bên vay nhắn tin để vay tiền, những tin nhắn và lời nói hứa hẹn thời gian trả tiền vay…


Bài viết liên quan