Đường liên cảng tại Nhơn Trạch không còn nằm trên giấy?

Tuyến đường liên cảng không chỉ đóng vai trò kết nối hệ thống cảng biển trên địa bàn huyện Nhơn Trạch theo đường bộ mà còn là tiền đề phát triển các đô thị ven sông.

Đường liên cảng huyện Nhơn Trạch

Theo chủ trương đầu tư, tuyến đường liên cảng huyện Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 15,3 km, được chia thành 2 đoạn: đoạn 1 dài hơn 13 km từ điểm giáp với ranh khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo đến điểm giao với đường Lý Thái Tổ có quy hoạch mặt cắt ngang rộng 61m; đoạn 2 dài gần 2 km từ điểm giao với đường Lý Thái Tổ đến điểm cuối dự án nối với đường vào cảng Việt Thuận Thành.

Dự án thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của tuyến đường với quy mô hoàn chỉnh gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải an toàn, vỉa hè, dải cây xanh với nền đường rộng 45m. Tổng mức đầu tư để xây dựng giai đoạn 1 của tuyến đường liên cảng là gần 3.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, huyện Nhơn Trạch là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng cảng biển trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do mạng lưới giao thông đường bộ phục vụ kết nối các cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, quy hoạch xây dựng tuyến đường liên cảng đã có trong quy hoạch chung phát triển đô thị Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn nên Sở KH-ĐT đã đề xuất Bộ KH-ĐT đưa dự án vào danh mục dự án liên vùng để có được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. “Bộ KH-ĐT cũng đồng tình với chủ trương hỗ trợ vốn từ nguồn vốn ngân sách trung ương để Đồng Nai xây dựng tuyến đường liên cảng” – ông Hồ Văn Hà cho biết.

Hiện nay, trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án, UBND tỉnh đã xác định phương án kết hợp nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện. Cụ thể, trong tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng để xây dựng giai đoạn 1 của tuyến đường, sẽ có 2.000 tỷ đồng là từ nguồn vốn ngân sách trung ương, phần còn lại sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

UBND tỉnh đã thống nhất về chủ trương cho phép khai thác 1 khu đất lợi thế với diện tích khoảng 120 ha tại xã Phú Hữu kèm theo hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư của UBND huyện Nhơn Trạch. UBND tỉnh giao UBND huyện Nhơn Trạch làm chủ đầu tư đối với các dự án gồm: Xây dựng đường liên cảng giai đoan 1 và Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đường liên cảng.

Theo UBND tỉnh, việc xây dựng tuyến đường liên cảng sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng và hình thành khu cảng Đồng Nai (trên sông Đồng Nai) và khu cảng Phú Hữu (đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tàu – Nhà Bè) theo quy hoạch. Đồng thời, tuyến đường này cũng sẽ đóng vai trò kết nối hệ thống cảng biển trên địa bàn huyện Nhơn Trạch theo đường bộ. Từ đó, tăng cường công suất khai thác các cảng biển, kích thích sự phát triển của địa phương, kết nối các tuyến đường trong khu vực tạo sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Đặc biệt, theo đánh giá, việc đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng cũng sẽ tạo sức hút đối với các nhà đầu tư đến các KCN trên địa bàn huyện dẫn tới sự thay đổi nhanh, bền vững cơ cấu kinh tế của Nhơn Trạch nói riêng và của tỉnh nói chung.

Bên cạnh vai trò thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, dự án đường liên cảng khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ mở ra tiềm năng để phát triển đô thị ven sông, từ đó kết hợp với hệ thống cảng biển, dịch vụ cảng biển để hướng tới mô hình đô thị cảng. Trên thực tế, khi tuyến đường liên cảng hình thành, một khu vực dọc sông trải dài khoảng 20km tính từ vị trí được quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái đến KCN Ông Kèo sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển các đô thị ven sông.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong hướng kiến nghị thực hiện điều chỉnh quy hoạch đô thị Nhơn Trạch sắp tới, Đồng Nai sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch trước đây để bổ sung thêm các khu đô thị dọc sông cho khu vực dọc tuyến đường liên cảng.

Để thực hiện mục tiêu này, Đồng Nai cũng đã thực hiện rà soát để loại bỏ bớt các dự án cảng biển quy mô nhỏ, phát triển các cụm cảng quy mô lớn. Từ đó, gia tăng dư địa để phát triển các đô thị ven sông.


Bài viết liên quan