Đồng Nai – Điểm tin ngày 20/12/2021

Số ca Covid-19 mắc mới giảm nhưng bệnh nhân tử vong tăng, hoàn thành xây dựng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn trước tháng 06/2022180, “Dân” bất động sản Đồng Nai lại lao đao… là những thông tin nổi bật trong ngày hôm nay.

Số ca Covid-19 mắc mới giảm nhưng bệnh nhân tử vong tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch Covid-19 về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong 7 ngày qua (từ 13-19/12/2021) ghi nhận 29.845 ca mắc mới, trong đó ghi nhận qua xét nghiệm bằng RT-PCR là 2.638 ca và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là 27.207 ca, giảm 10,62% so với 7 ngày trước đó.

Về hoạt động điều trị bệnh nhân thì trong tuần qua cdó 37.482 bệnh nhân điều trị khỏi. Tuy nhiên, số bệnh nhân tử vong là 172 ca (tăng 23,74%), tỉ lệ tử vong/tổng số ca mắc tại Đồng Nai 0,48%.

Về công tác tiêm chủng, trong tuần triển khai 2 đợt tiêm 26, 27 với 249.210 liều vắc xin sử dụng tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Đến hiện tại tỉnh đã triển khai kế hoạch tiêm chủng Covid-19 với tổng số vắc xin được phân bổ của Bộ Y tế là 5.356.048 liều.

Tỉ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 đối tượng từ 12 tuổi trở lên đối với mũi 1 là 100,83%, mũi 2 là 93,86% và 4,38% mũi 3. Tỉ lệ tiêm đủ liều cho người từ 65 tuổi trở lên đạt 97,43%, người từ 50 tuổi trở lên đạt 97,87% ; Trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có tỉ lệ mũi 1 là 92,52% và mũi 2 là 54,07%.

Các địa phương đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 cao nhất (hơn 90%) là Xuân Lộc, Long Thành, Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Khánh. Các huyện, thành phố còn lại đều đạt tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 2 từ 80% trở lên.

Gắn quy hoạch khu công nghiệp với đô thị

Gắn quy hoạch khu công nghiệp với đô thị

Đồng Nai được quy hoạch 39 khu công nghiệp (KCN) với gần 19 ngàn ha, trong đó có 31 KCN đang hoạt động. Lâu nay, trong phát triển KCN Đồng Nai chưa chú ý nhiều đến các dịch vụ đi kèm. Do đó, trong những năm tới, tỉnh sẽ quy hoạch KCN gắn với đô thị để tạo thành mô hình phát triển bền vững.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện những KCN trên địa bàn tỉnh đang thu hút hơn 614 ngàn lao động làm việc trong các công ty, nhà máy. Dự kiến đến năm 2025, khi có thêm một số KCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mở nhà xưởng sản xuất, số lao động trong các KCN tăng lên trên 1 triệu người. Vì thế, quanh các KCN sẽ cần nhiều nhà ở xã hội và các dịch vụ khác đi kèm.

Hiện nay, đầu tư nhà ở cho công nhân ở gần với KCN là vấn đề đang được tỉnh, Chính phủ rất quan tâm; tiếp đến là đầu tư các dịch vụ đi kèm như: y tế, thương mại dịch vụ, trường học, khu vui chơi giải trí. Mục tiêu là kết nối các KCN với khu đô thị bên ngoài để đảm bảo nhu cầu cần thiết cho công nhân, góp phần phát triển công nghiệp bền vững.

Trong những lần làm việc trực tiếp, trực tuyến với Đồng Nai, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đều nhấn mạnh: “Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước với nhiều KCN đang hoạt động, nhưng các dịch vụ để phục vụ cho KCN còn rất thiếu. Vì thế, tỉnh chú ý bổ sung vào quy hoạch để thực hiện các dự án về dịch vụ cho KCN nhằm đảm bảo các KCN phát triển bền vững”.

Dù là tỉnh đông dân cư và có 31 KCN đang hoạt động, nhưng lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh chưa được DN nước ngoài cũng như trong nước chú trọng. Đến tháng 12/2021, thị trường bán lẻ ở Đồng Nai mới có 4 nhà đầu tư nước ngoài tham gia là: Lotte Mart (Hàn Quốc), BigC, MM Mega Market (Thái Lan) và Aeon (Nhật Bản). Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh quy hoạch 26 trung tâm thương mại với diện tích gần 430ha để mời gọi DN đầu tư vào.

Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam chia sẻ: “Công ty gấp rút hoàn thành các thủ tục để đầu tư một trung tâm thương mại tại TP. Biên Hòa vì khu vực này có nhiều KCN, dân cư đông đúc có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại. Dự kiến đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động”. Những năm gần đây, các tập đoàn nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam trên lĩnh vực bán lẻ, nhưng Đồng Nai lại ít được chú ý.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng dành nhiều quỹ đất cho phát triển các khu, điểm du lịch sinh thái để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người lao động, song việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án rất chậm, như: dự án Sơn Tiên (TP. Biên Hòa), dự án Du lịch đường sông, dự án Khu safari (H. Vĩnh Cửu), dự án Du lịch sinh thác Thác Mai (H. Định Quán)…

Hoàn thành xây dựng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn trước tháng 06/2022

Hoàn thành xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn trước tháng 06/2022

Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn có diện tích hơn 280ha, là nơi bố trí tái định cư cho toàn bộ các hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư thuộc dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tháng 04/2020, dự án được chính thức khởi công xây dựng với 4 gói thầu ưu tiên gồm 3 tuyến đường chính và hệ thống xử lý nước thải được triển khai thi công đầu tiên. Tiếp theo đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như: các tuyến đường giao thông, hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông và hạ tầng của 12 khu cũng được đồng loạt triển khai xây dựng.

Sau gần hai năm xây dựng, đến nay, phần lớn các hạng mục thuộc dự án thành phần Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn đã cơ bản hoàn thành.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án, đối với hệ thống hạ tầng của khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, đến thời điểm này, hệ thống cung cấp điện, nước, viễn thông đã được đấu nối đến các lô đất tái định cư và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân khi chuyển đến đây sinh sống. Cùng với đó, hệ thống vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh các tuyến đường cũng đã hoàn thành thi công.

Trong khi đó, công trình cuối cùng trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn là trạm xử lý nước thải giai đoạn 1 cũng sắp hoàn thành xây dựng. Việc công trình này bị chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc nhập khẩu một số thiết bị từ nước ngoài bị gián đoạn nên việc lắp đặt không thể triển khai đúng kế hoạch.

Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân vùng dự án sân bay Long Thành khi chuyển đến nơi ở mới, ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn còn được quy hoạch xây dựng 11 công trình hạ tầng xã hội bao gồm: 8 trường học, trụ sở UBND xã, chợ và trung tâm văn hóa. Đến nay, cả 11 công trình này đều đã được khởi công xây dựng, trong đó có 3 công trình gồm 1 trường mầm non, trụ sở UBND xã và trung tâm văn hóa sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022.

Hiện nay, khi Đồng Nai đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, thời tiết vào mùa khô, các đơn vị liên quan đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công. “Các công trình còn lại tiến độ đang đảm bảo, các nhà thầu cam kết chậm nhất tháng 05/2022 sẽ hoàn thành xây dựng” – ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết.

“Dân” bất động sản Đồng Nai lại lao đao

Dù các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác quản lý đất đai, nhưng tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải tìm giải pháp hạn chế tình trạng trên.

Nhiều chiêu thức lừa đảo mới

Mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang dần trở thành thói quen của nhiều người sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh. Trước nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng cao của người dân, các đối tượng xấu đã nghĩ ra các chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức giao dịch này để “giăng bẫy” người dùng.

Một trong số những chiêu thức lừa đảo mà các ngân hàng vừa cảnh báo với khách hàng là việc kẻ gian mạo danh là nhân viên của sàn TMĐT để liên hệ với khách hàng mua sắm online yêu cầu hỗ trợ đổi trả về đơn hàng mà khách hàng đã đặt trước đó (hứa thu hồi và hoàn tiền gấp 3 lần).

Nếu khách hàng tin lời, thực hiện đăng ký vào link giả mạo để hoàn tất việc trả hàng thì kẻ lừa đảo sẽ có được đầy đủ thông tin để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản internet banking và số tiền trong tài khoản ngân hàng của khách.

Ngoài ra, kẻ gian còn mạo danh sàn TMĐT thông báo khách hàng trúng thưởng quà tặng tri ân sau khi mua sắm. Nội dung tin nhắn có chứa liên kết lừa đảo, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (thông tin thẻ tín dụng/tài khoản internet banking, bao gồm cả tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP). Kẻ lừa đảo nghiễm nhiên chiếm đoạt được quyền truy cập tài khoản và chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Nhiều chiêu thức lừa đảo mới

Đáng chú ý là chiêu thức lừa đảo rút tiền qua ví điện tử của người dùng khá tinh vi. Đối tượng lừa đảo “dụ dỗ” các khách hàng rằng đang cần thu mua số lượng lớn voucher mà chủ tài khoản không sử dụng với giá tốt và yêu cầu được đăng nhập vào ví điện tử để tự sử dụng voucher (do ví điện tử MoMo không cho phép chuyển voucher sang tài khoản khác) và thuyết phục khách hàng có thể hủy liên kết tài khoản với sàn TMĐT trong vài giây sau khi đã thanh toán đúng voucher trao đổi. Thế nhưng, chỉ vài thao tác sau khi đăng nhập thành công vào tài khoản thì tiền trong ví lẫn thẻ ngân hàng liên kết (trong trường hợp chủ tài khoản chưa kịp hủy liên kết thẻ) đều mất sạch.

Một số đối tượng có ý đồ xấu còn sử dụng hình thức cho vay tiền online để mời gọi khách hàng vay vốn và yêu cầu đăng ký trên website giả mạo của ngân hàng. Sau đó, sử dụng những thông tin khách hàng đã cung cấp (họ và tên, chứng minh nhân dân, số điện thoại, số thẻ/tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP…) để tạo tài khoản ví điện tử và liên kết ví điện tử với số thẻ/tài khoản ngân hàng của khách hàng. Kẻ gian sẽ chiếm đoạt số tiền trong ví điện tử/tài khoản thanh toán bằng cách mua sắm hoặc chuyển tiền qua ví điện tử khác.

Để không “dính” những chiêu lừa tinh vi của các đối tượng xấu, các ngân hàng đã gửi thông tih đến khách hàng của mình. Người dân cần hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web lạ, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.

Người dân không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội. Đồng thời không truy cập và thực hiện giao dịch trên các website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.


Bài viết liên quan