Đồng Nai – Điểm tin ngày 23/12/2021

2 đối tượng cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19, sắp hết hạn đổi màu biển số xe kinh doanh vận tải, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông… là những thông tin nổi bật trong ngày hôm nay.

Đây là 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19

Đây là 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19

Bộ Y tế ngày 21/12/2021 vừa ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Trong lần hướng dẫn này, Bộ Y tế chỉ quy định 2 đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng gồm người đang mắc bệnh cấp tính và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần tuổi. Trước đây có thêm trường hợp “có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng”.

Tại hướng dẫn mới này, Bộ Y tế vẫn phân loại người tiêm thành 4 nhóm như sau:

Nhóm 1: Người đủ điều kiện tiêm chủng, là người có độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vaccine.

Nhóm 2: Người cần thận trọng tiêm chủng, gồm: người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.

Nhóm 3: Người trì hoãn tiêm chủng, gồm: đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Nhóm 4: Chống chỉ định, gồm: tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng COVID-19 cùng loại (lần trước); Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Sau khám sàng lọc, trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được chỉ định tiêm ngay, chỉ trì hoãn tiêm với trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3, với bất kỳ nguyên nhân gì, sẽ tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.

Phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Không tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng.

Sắp hết hạn đổi màu biển số xe kinh doanh vận tải

Sắp hết hạn đổi màu biển số xe kinh doanh vận tải

Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16/06/2020 của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là Thông tư số 58) quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe đang hoạt động KDVT phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31/12/2021.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, về thủ tục, trình tự đăng ký đổi biển số vàng, đối với xe đăng ký mới, hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký xe (theo mẫu 1 của Thông tư 58); giấy tờ lệ phí trước bạ xe; giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe; giấy tờ nguồn gốc của xe. Chủ xe đến làm thủ tục cần xuất trình chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu, hộ chiếu (còn giá trị sử dụng). Doanh nghiệp nếu làm thủ tục đổi biển số vàng cho số lượng nhiều xe thì phải có công văn kèm theo danh sách xe đổi biển số vàng, thông tin biển số xe trong danh sách phải chính xác.

Đối với xe do doanh nghiệp đứng tên, khi có nhu cầu đổi biển số vàng kèm đổi giấy chứng nhận đăng ký xe thì phải làm tờ khai theo mẫu cho từng phương tiện. Nếu không thay đổi số trên biển và thông tin chủ xe thì không phải mang xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra, không phải cà số khung, số máy. Sau khi nhận biển số vàng, chủ xe nộp lại biển số cũ (biển số trắng) cho cơ quan đăng ký xe.

Kể từ ngày 01/08/2020, Đồng Nai bắt đầu triển khai thực hiện chuyển đổi biển số đối với xe KDVT. Đến nay, phần lớn phương tiện trong tổng số hơn 40 ngàn xe đã hoàn thành, các trường hợp chưa thực hiện chủ yếu là các cá nhân, đơn vị KDVT với số lượng phương tiện ít. Những ngày gần đây, khu vực tiếp nhận hồ sơ tại Phòng Cảnh sát giao thông có rất đông người dân đến làm thủ tục đăng ký chuyển đổi biển số màu vàng cho xe KDVT.

Ông Lê Văn Xuân (ngụ P. Tân Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì giữa năm 2021, ông đã tiến hành đổi màu biển số cho 3 xe tải chở hàng. Các xe của ông đều có hồ sơ rõ ràng, giấy tờ mua bán chính chủ nên việc đổi biển số nhanh và không mất thời gian chờ đợi.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp, HTX KDVT có lượng phương tiện lớn từ vài chục đến hàng trăm xe trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện xong việc chuyển đổi. Đại diện Taxi Mai Linh Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp có hơn 800 xe hoạt động. Do số lượng lớn nên thời gian qua phải chia ra nhiều đợt. Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất việc đổi màu biển số xe cho tất cả các phương tiện hoạt động trên địa bàn tỉnh mà đơn vị quản lý.

Dù thời hạn cuối cùng đăng ký chuyển sang biển số vàng chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa nhưng vẫn còn nhiều người đang băn khoăn, chưa biết có nên đổi biển số theo quy định mới. Với những người chạy xe ô tô con dịch vụ, nếu đổi sang biển số vàng sẽ bất tiện khi dùng cho nhu cầu cá nhân cũng như sau này sẽ mất giá khi bán lại. Chênh lệch giữa xe biển số trắng và biển số vàng khi bán lại là khá cao nên còn lưỡng lự.

Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 61 đã góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số. Dù vậy, thực tế triển khai cho thấy những khó khăn nhất định, đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Nghị định số 61, đến nay cả nước đã có 59 địa phương tổ chức trung tâm hành chính công; 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

Tại Đồng Nai, để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông, UBND tỉnh cho biết, trong năm qua, tỉnh đã tập trung kiện toàn nhân sự, rà soát chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC, TTHC liên thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống CNTT và cơ sở vật chất tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các cấp.

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngày 27/03/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Quyết định đã đặt mục tiêu, đến năm 2022, giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/1 lần giao dịch. Đến giai đoạn 2023-2025, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó). Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng hồ sơ tiếp nhận. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Bám sát Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 5755/KH-UBND xác định mục tiêu cụ thể, đề xuất các giải pháp và phân công các đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2021-2025. Qua đó, hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động.

Dự án Làng Đại học: Hơn 10 năm vẫn nằm trên giấy

Dự án Làng Đại học: Hơn 10 năm vẫn nằm trên giấy

 

Ngày 07/05/2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1259/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu Làng Đại học tại xã Phước Thiền và xã Long Tân (H. Nhơn Trạch) với diện tích hơn 320ha. Dự tính khi dự án hoàn thành có quy mô đào tạo và nhu cầu lao động là 46,5 ngàn người.

Quy hoạch rồi chờ

Vị trí khu đất quy hoạch dự án Làng Đại học thuộc địa bàn 2 xã Long Tân và Phước Thiền có ranh giới phía Bắc giáp rạch Tắc Gò Da, phía Nam giáp đường liên xã Long Tân – Phước Thiền, phía Đông gần khu dân cư theo quy hoạch và phía Tây giáp ranh với khu du lịch sinh thái.

Mục tiêu của tỉnh và địa phương sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ mời gọi các nhà đầu tư, xây dựng dự án thành khu trung tâm giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), gồm tổ hợp các trường đại học xây dựng mới, đa dạng ngành nghề đào tạo, có khả năng vận hành độc lập. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cùng các dịch vụ hỗ trợ hoàn chỉnh, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học. Một số trường đại học đã được giới thiệu địa điểm nhưng qua nhiều năm vẫn không triển khai.

Bà Nguyễn Thị Linh (ấp Bến Cam, xã Phước Thiền) cho hay: “Hơn 10 năm trước, tôi nghe khu vực này sẽ triển khai xây dựng các trường đại học nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Vì nghe quy hoạch dự án nên người dân có đất trong dự án cũng ngại không muốn đầu tư nhiều để phát triển kinh tế vì lo sẽ bị thu hồi”.

Qua tìm hiểu thực tế, khu vực quy hoạch dự án nhiều người dân mòn mỏi, thấp thỏm vì quy hoạch, không đợi được đã sang nhượng lại đất đai cho những người ở nơi khác đến mua đầu tư.

Ông Huỳnh Xuân Phát, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền cho biết: “Nơi quy hoạch dự án Làng Đại học nằm ở ấp Bến Cam và hiện trạng là đất ruộng, trước đây được người dân trồng lúa nước. Nhiều năm qua, chưa thấy đơn vị nào xuống thỏa thuận để triển khai dự án. Người dân trong xã và chính quyền địa phương đều mong dự án triển khai và đưa vào hoạt động để góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho địa bàn”.

Vẫn tiếp tục treo

Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, dự án Làng Đại học vẫn tiếp tục được đưa vào quy hoạch, nhưng đến khi nào được khởi công xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác thì chưa có câu trả lời chính xác, bởi lệ thuộc rất lớn vào việc thu hút nhà đầu tư và khi họ được cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ triển khai trong thời gian bao lâu, tất cả vẫn còn là ẩn số. Dự án trên đã treo hơn 10 năm và sẽ còn tiếp tục treo làm ảnh hưởng chung đến phát triển của các xã Long Tân, Phước Thiền và cả huyện Nhơn Trạch.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong chia sẻ: “Dự án Làng Đại học rất khó mời gọi đầu tư vì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Những năm qua, có một số trường đại học đến tìm hiểu dự án, đăng ký sẽ đầu tư nhưng khi thấy hạ tầng giao thông chưa kết nối, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng nhiều đã xin rút. Hiện nay, huyện đang cùng với tỉnh tính toán lại quy hoạch dự án Làng Đại học, có thể sẽ thu hẹp diện tích”.

Khu vực quy hoạch Làng Đại học nằm giáp sông, gần với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, các khu công nghiệp rất thuận lợi cho việc phát triển dự án. Khi giao thông được kết nối, đây sẽ là vị trí đất vàng nếu được tỉnh, huyện quy hoạch dự án trên những lĩnh vực khác phù hợp hơn.

Mới đây, khi thẩm định quy hoạch sử dụng đất của huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2021-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu huyện Nhơn Trạch phải nghiên cứu lại dự án Làng Đại học, nếu khó mời gọi nhà đầu tư để triển khai có thể tính toán thu hẹp diện tích hoặc chuyển đổi. Tuy nhiên, muốn thay đổi quy hoạch, huyện phải xem xét, đề xuất xem điều chỉnh quy hoạch phát triển như thế nào cho phù hợp để khai thác hiệu quả các lợi thế từ đất đai.

Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì đến năm 2020, đất xây dựng cơ sở GD-ĐT của huyện Nhơn Trạch gần 517 ha, nhưng đến nay mới thực hiện được 144 ha, đạt gần 28% so với chỉ tiêu được duyệt. Nguyên nhân đất xây dựng cơ sở GD-ĐT đạt tỷ lệ thấp là do trên địa bàn huyện quy hoạch nhiều trường đại học nhưng chưa được triển khai. Trong đó, riêng dự án Làng Đại học 320ha.


Bài viết liên quan