Không chỉ 3 phương án, cầu Cát Lái đến 5 phương án vị trí xây cầu

Nhà tư vấn đã đưa ra 5 phương án vị trí xây cầu Cát Lái, trong đó ưu tiên phương án 2 với tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, nhưng Đồng Nai và TPHCM chưa quyết định.

Dự án cầu Cát Lái nối quận 2, TPHCM và Nhơn Trạch, Đồng Nai thay cho phà Cát Lái đang quá tải đã được quy hoạch hơn 20 năm qua. 6 năm trước, Thủ tướng đồng ý xây cầu, giao cho Đồng Nai chủ trì, lên các phương án gửi TPHCM xem xét, thống nhất thực hiện.

Cầu có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng hơn 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m…

Mô phỏng cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai

Mô phỏng cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai

Đến hôm nay, có tất cả 5 phương án được Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đưa ra.

Phương án 1

Cầu có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy trên đường Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức). Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch. Ở phía Đồng Nai, tuyến đi trùng với đường 25C và kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7 km.

Phương án hai

Điểm đầu dự án tại đường ven sông Sài Gòn, đi dọc theo trục đường quy hoạch của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B và cắt đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Ở phía bờ Đồng Nai, đường dẫn đi qua các xã Phú Hữu và Phú Đông, cắt qua đường 25C, kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Chiều dài toàn tuyến hơn 10,6 km.

Phương án ba

Điểm đầu tuyến nằm trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng C của cảng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, sau đó rẽ phải, kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Toàn tuyến dài 12,4 km.

5 phương án về vị trí cầu Cát Lái. Đồ họa: Thanh Huyền

5 phương án về vị trí cầu Cát Lái. Đồ họa: Thanh Huyền

Phương án bốn

Điểm đầu dự án nằm trên đường trục Bắc – Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 2,4 km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7. Tuyến đi về phía Đông, vượt qua rạch Tắc Bà Phổ, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, đường Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Sau đó tuyến rẽ phải và kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo phương án này, tuyến dài hơn 13,7 km.

Phương án năm

Điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc – Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 4 km trên địa bàn huyện Nhà Bè và quận 7. Tuyến đi về phía Đông, theo trục đường quy hoạch Kho B, vượt qua rạch Phước Long, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch. Sau đó, tuyến rẽ phải, kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Chiều dài toàn tuyến gần 13 km.

Trong 5 đề xuất, TEDI kiến nghị ưu tiên phương án 2 bởi nhiều ưu điểm như: chiều dài tuyến ngắn nhất, ít giải phóng mặt bằng, chi phí thấp, thuận lợi kết nối giao thông, Tuy nhiên, để phương án này triển khai, một số khu vực phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ như: khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B, cụm công nghiệp phía TP HCM và khu cảng Phú Hữu phía Đồng Nai.

Dự án cầu để thay thế phà Cát Lái đang quá tải.

Dự án cầu để thay thế phà Cát Lái đang quá tải.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai Nguyễn Bôn nói 2 địa phương chưa thống nhất chọn phương án nào mà đang xem xét, đánh giá tổng thể hài hòa quy hoạch, tiết kiệm vốn đầu tư và ít ảnh hưởng người dân. “Sau khi vị trí xây cầu được chọn, chúng tôi sẽ lập báo cáo khả thi và chọn nhà thầu thi công. Dự kiến cầu Cát Lái khởi công năm 2023“, ông Bôn nói.

Dự án cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch ngoài thúc đẩy phát triển đô thị mới Nhơn Trạch còn giúp kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, cầu kết nối TPHCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi sân bay này đi vào hoạt động năm 2025.


Bài viết liên quan