Việt Nam sẵn sàng trở thành “công xưởng thế giới”?

Việt Nam đang đứng trước cơ hội sẽ trở thành công xưởng của thế giới. Đâu là cơ hội và đâu là thách thức?

Dịch chuyển làn sóng đầu tư

Việt Nam hiện có 563 KCN được được quy hoạch trong tổng diện tích 210,9 nghìn ha, tập trung chính quanh hai đầu tàu kinh tế – chính trị lớn là TPHCM và thủ đô Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI tìm kiếm đầu tư tại các KCN Việt Nam.

Theo ông Phạm Văn Nam, Co-Founder Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Thích ứng và cạnh tranh”, hiện nay Trung Quốc đang chuyển chiến lược phát triển công nghiệp, gia tăng thu hút các ngành công nghệ cao, cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đã có phương án rút khỏi Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu của Công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia, Singapore đánh giá, Việt Nam có thể trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực, đồng thời đánh giá triển vọng trở thành “công xưởng thế giới thứ hai” sau Trung Quốc của nền kinh tế Đông Nam Á. Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh thương mại và trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trên thế giới.

Cần thay đổi chiến lược

Vận hội tới nhưng thực tế các KCN đã nắm bắt tốt cơ hội này hay chưa?

Câu trả lời cũng tương đối rõ ràng khi mà hiện nay, hầu hết các KCN đang phát triển nóng, bộc lộ nhiều bất cập: nguồn nhân lực, hạ tầng xã hội và các công trình tiện ích chưa được quan tâm đúng mức, vận tải logistics, vấn đề ô nhiễm môi trường… dẫn đến tình trạng nhiều KCN không thu hút được đầu tư.

Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Tại Việt Nam, các KCN chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành của ngày càng nhiều các KCN, cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động tại đây, hạ tầng xã hội KCN vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp” .

Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững, đặt ra yêu cầu cấp thiết tìm giải pháp thích ứng phù hợp.

Cũng tại tọa đàm này, TS. Hán Minh Cường, Công ty CP tập đoàn Sgroup đóng góp: “Về bản chất, hầu hết các KCN hiện nay ở Việt Nam đều có thể được coi là các KCN thuộc giai đoạn đầu tiên với tiêu chuẩn thấp. Những yêu cầu về phát triển bền vững cùng những đòi hòi về khả năng thích ứng với các biến động như vấn đề đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc chuyển đổi các KCN truyền thống tại Việt Nam hiện nay”.

Đâu là lời giải cho bài toán phát triển bền vững?

Hệ thống các KCN Việt Nam đang dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia, gắn với đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế cho thấy, để phát triển hiệu quả và bền vững, các KCN Việt Nam cần được cải tổ mạnh mẽ về định hướng phát triển, quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư; khuyến khích cải tiến công nghệ; thúc đẩy liên kết kinh tế, tổ chức các chuỗi cung ứng; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động và quy hoạch phát triển kinh tế phù hợp với từng ngành, từng vùng.

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư rất cần được hỗ trợ, tư vấn giải pháp xây dựng đồng bộ hạ tầng công nghiệp – xã hội – dịch vụ tiện ích để đáp ứng kịp thời an sinh cho người lao động, xử lý triệt để và tái tuần hoàn chất thải từ quá trình sản xuất.

Khu nhà ở cho công nhân KCN Nhơn Trạch của IDICO.

Khu nhà ở cho công nhân KCN Nhơn Trạch của IDICO.

Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại việc phát triển KCN. KCN nếu chỉ quan tâm đến vấn đề môi trường thôi chưa đủ mà còn phải đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt cho người lao động. “KCN cần một khu đô thị bên cạnh để tính toán cho chuyên gia, lao động tại chỗ, lao động từ nơi khác đến”, ông Thiên nhấn mạnh. “Người lao động không thể ở trong các KCN vì đó là nơi sản xuất, trong khi còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề đời sống, thương mại, an sinh…”.


Bài viết liên quan