Sở GTVT TP.HCM có văn bản về vị trí xây dựng cầu Cát Lái – 10 nhà đầu tư “đua nhau” tham gia làm dự án

Trong tháng 9, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản phản hồi ý kiến về vị trí xây dựng cầu thay phà Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Ý kiến của Sở GTVT TP.HCM

Sở GTVT TP.HCM có nhận được Công văn ngày 4/8 và ngày 1/9 của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai về việc lấy ý kiến vị trí xây dựng cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái) nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Sau khi xem xét, Sở GTVT TP.HCM cho biết: Ngày 5/6, sở đã chủ trì, tổ chức cuộc họp với các sở ban ngành và các đơn vị liên quan về phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái.

Theo đó, các đơn vị dự họp cơ bản ủng hộ quy mô cầu với sáu làn xe, phương án hướng tuyến theo phương án chọn do đơn vị tư vấn đề xuất.

Trong tương lai, cầu Cát Lái sẽ nối liền Quận 2 và Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Cụ thể: điểm đầu tuyến kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Sau đó tuyến đi lên phía xã Phú Hữu, vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành Đai 2 – TP.HCM tại vị trí cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1 km, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km (phương án 2 theo Báo cáo gửi kèm công văn ngày 4/8 của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai).

Tuy nhiên, báo cáo này chưa làm rõ các nội dung như phương án hướng tuyến xây dựng cầu ảnh hưởng trực tiếp đến các đồ án quy hoạch được duyệt, các dự án đầu tư đã và đang triển khai trong khu vực, cũng như làm thay đổi phương án kết nối giao thông các tuyến đường trong khu vực nút giao Vành đai 2 theo quy hoạch được duyệt như thế nào.

Do đó, để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phía TP.HCM, điều chỉnh các dự án đầu tư ngay trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi cần tổ chức rà soát, nghiên cứu tổng thể giao thông khu vực. Từ đó lựa chọn phương án hướng tuyến, xác định dạng thức nút giao với Vành đai 2, phương án tổ chức giao thông khu vực một cách tối ưu, đảm bảo các yếu tố kinh tế kỹ thuật của dự án.

Sở lưu ý các vấn đề: Dự báo lưu lượng tham gia giao thông theo các phương án nút giao Vành đai 2 (ngã ba và ngã tư). Trong đó cần xác định các hướng ưu tiên, kết nối liên thông trực tiếp tại nút giao đường vào cầu Cát Lái với Vành đai 2.

Từ đó xây dựng cụ thể giải pháp tổ chức giao thông khu vực, đảm bảo kết nối giao thông, không gây ùn tắc trên đường Vành đai 2 cũng như các tuyến đường nội bộ trong các khu dân cư phía phường Thạnh Mỹ Lợi.

Hiện nay, đường Vành Đai 2 chỉ mới đầu tư giai đoạn 1, một số tuyến đường khác trong khu vực chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt. Do đó, cần xem xét xây dựng phương án phân kỳ đầu tư phù hợp.

Ngoài ra cần tổ chức lấy ý kiến Bộ GTVT đối với điểm cuối tuyến, kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Dự án này hiện đang triển khai thi công nhưng theo thiết kế được duyệt không có nút giao này. Đây là một yếu tố rất quan trọng để xây dựng phương án tổ chức giao thông cũng như đánh giá tính khả thi của phương án tài chính.

Sở GTVT TP.HCM gửi đển Sở GTVT tỉnh Đồng Nai nội dung phúc đáp như trên để chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo phương án xây dựng cầu Cát Lái, làm cơ sở báo cáo UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, thống nhất” – văn bản Sở GTVT TP.HCM nêu.

Cầu Cát Lái đã xác định thời điểm chính thức khởi công

Dồn lực sớm thực hiện cầu Cát Lái

Theo Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai dự tính sẽ thực hiện sớm cầu Cát Lái để tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho H.Nhơn Trạch. Hiện đã có 10 nhà đầu tư đề xuất được tham gia làm cầu Cát Lái, trong tương lai con số này sẽ còn tăng do sức hút của dự án là rất lớn.

Dự án Cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giữa Đồng Nai và TP.HCM cũng như toàn khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, đây cũng là cây cầu có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.

Bến phà Cát Lái ở phía đường Nguyễn Thị Định, Quận 2, TP.HCM.

Vào tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GT-VT. Theo đó, Thủ tướng đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại Q.2 (TP.HCM) và H.Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai.

Đến tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, Sở đang yêu cầu H.Nhơn Trạch nhanh chóng cập nhật cầu Cát Lái vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để triển khai dự án trong những năm tới.

Đồng thời, huyện cũng cần phối hợp với các sở, ngành tính toán kỹ vị trí, diện tích đất xây dựng cầu và đường dẫn đầu cầu để đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện khi triển khai không bị ảnh hưởng, mất thời gian điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Để có phương án cuối cùng tối ưu nhất, ngoài việc xác định vị trí và quy mô, hiện nay 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM đang đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng cầu Cát Lái. Hiện Sở GT-VT được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư nên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định. “Vì vậy, tỉnh cũng đang phối hợp với TP.HCM để xác định phạm vi, quy mô, khối lượng giải phóng mặt bằng… nhằm có cơ sở lên phương án tài chính làm cầu Cát Lái” – ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh cho biết.

Phía bên kia là bến phà đi vào khu đô thị Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cũng yêu cầu đơn vị tư vấn lấy ý kiến của Cục Hàng hải Việt Nam về tĩnh không cầu, đảm bảo phù hợp với luồng hàng hải và hiện trạng khu vực làm cơ sở lựa chọn phương án kết cấu nhịp phù hợp cho cầu Cát Lái. Theo ông Từ Nam Thành, phương án về độ tĩnh không cầu được đề nghị xem xét là cầu Cát Lái sẽ có chiều cao tĩnh không 55m, đảm bảo cho tàu có trọng tải 60 ngàn tấn có thể ra vào cảng Cát Lái bình thường. Ngoài ra, do dự án Cầu Cát Lái có liên quan đến quy hoạch và các dự án ở nơi dự kiến thi công nên tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát các phương án kỹ thuật, khả năng kết nối và tính mỹ quan một cách phù hợp.

Để sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Chính phủ phân chia dự án thành 3 dự án thành phần gồm: phần đường dẫn phía TP.HCM dài 623m, kiến nghị Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT; phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao).

Trong quá trình nghiên cứu, nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 


Bài viết liên quan